Cách trái tim FPT Telecom chuyển đổi số
Cách ‘trái tim’ FPT Telecom chuyển đổi số
Trung tâm điều hành mạng (NOC) được coi như “trái tim” của FPT Telecom. Để “trái tim” khoẻ dẫn mạch cho toàn hệ thống, NOC không ngừng chuyển đổi số.
Nằm nép mình cạnh Data Center của FPT Telecom cả ở Hà Nội và TP HCM là Trung tâm điều hành mạng. Dù đảm nhiệm vai trò vận hành và giám sát mọi hoạt động cũng như khả năng dự phòng của hệ thống mạng, nhưng mỗi nơi đều có lượng nhân sự hạn chế, khoảng 50-60 người.
Với lượng khách hàng của FPT Telecom luôn tăng cao, công việc vận hành của NOC cũng gia tăng theo cấp số nhân. Nhưng nhân sự đơn vị gần như không mấy biến động. Bí quyết là công việc được chuyển đổi số với cách làm sáng tạo, thiết thực nhằm giải những bài toán lớn.
Nếu ví hệ thống mạng của FPT Telecom như một hệ thống giao thông thì ở thời điểm 2018, Phòng Điều hành mạng IP (NOC.IP) phải quản lý, vận hành hơn 800 nút giao thông, với gần 2.000 con đường trải dài từ Bắc vào Nam và kết nối đến 5 địa điểm quốc tế.
3 năm trước, toàn bộ công việc đều phải thực hiện hoàn toàn thủ công, từ quy hoạch mở rộng, sửa chữa mạng lưới giao thông này khi có sự cố, cho đến điều phối, phân luồng giao thông trong tình huống nghẽn, tắc đường... Khối lượng công việc cực kỳ đồ sộ đó được vận hành bởi vỏn vẹn 15 kỹ sư trẻ, đa phần mới ra trường, thời gian tiếp xúc với hệ thống chưa đầy năm. Đó là một thử thách vô cùng cam go.
Những khó khăn ấy đặt ra thách thức lớn khiến anh Nguyễn Thành Đạt, Phó phòng NOC.IP, phải trăn trở trong thời gian dài. Với hơn 5 năm kinh nghiệm về thiết kế, triển khai hệ thống mạng tại Viễn thông FPT, chàng kiến trúc sư hệ thống luôn suy nghĩ phải làm sao để giúp nhà mạng vận hành hiệu quả hơn. Từ đó, cả tập thể Phòng NOC.IP quyết tâm số hóa toàn bộ tài nguyên trên mạng, tiến tới thực hiện các thao tác vận hành, triển khai hệ thống một cách tự động.
Viên gạch đầu tiên của hệ thống mang tên NETD - số hóa, quản lý toàn bộ thiết bị như router, switch. Nếu như trước đây, ngay cả đơn vị giám sát, thậm chí là NOC.IP, cũng không trả lời được câu hỏi “hệ thống có bao nhiêu thiết bị” thì bây giờ, chỉ với một cú click chuột, toàn bộ thông tin về số lượng, vị trí lắp đặt, model, tình trạng thiết bị… đều được hiển thị ngay lập tức. Hệ thống này còn được phát triển để kết nối với các công cụ của đơn vị khác như: Hệ thống quản lý vật tư (SCM); hệ thống giám sát cảnh báo sự cố của SCC; hệ thống quản lý kênh truyền, hợp đồng kênh truyền của FPD….
Sau khi đã số hóa được tài nguyên hệ thống, module tiếp theo của NETD là các khối chức năng phục vụ vận hành, triển khai hệ thống mạng lõi (core) như: xây dựng hạ tầng CoreIP tại các tỉnh/thành, cân tải tự động các kênh quốc tế, chủ động cảnh báo và đề xuất phương án nâng cấp cho các khu vực…
Sau hơn 3 năm xây dựng và vận hành, hiện NETD đã giúp tự động hóa hoàn toàn: 100% thao tác cân tải quốc tế; 100% thao tác xử lý sự cố với thiết bị CGNAT; 100% thao tác Fillter, accept route BGP; tự động hóa 100% trình quá trình triển khai toàn bộ thiết bị MPOP/BRAS; tự động hóa quá trình kiểm tra dịch vụ trước và sau khi triển khai.
Theo anh Lương Duy Phương - Giám đốc Trung tâm Điều hành mạng - hệ thống NETD giúp cảnh báo sớm các ngưỡng để các kỹ sư có đủ thời gian lên kế hoạch nâng cấp hoặc nắm thông tin sự cố ngay tức thì.
Nhờ có NETD, qua gần 4 năm, số lượng thiết bị, số lượng kết nối trên mạng của FPT Telecom đã tăng hơn gấp đôi, từ 800 lên gần 2.000 kết nối; khối lượng công việc vận hành hệ thống tăng đáng kể nhưng số lượng nhân sự tại Phòng Điều hành mạng IP vẫn không đổi. Đó là thành công to lớn trong quá trình chuyển đổi số “trái tim” nhà mạng.
"NETD cung cấp các chỉ số liên kết với nhau và chỉ rõ liên kết ảnh hưởng đến dịch vụ nào khách hàng đang dùng, bao nhiêu khách hàng bị ảnh hưởng. Các thiết bị truyền dẫn đã được cập nhật những tính năng hay của thiết bị IP Core, với định hướng công nghệ là hợp nhất, nhanh chóng, tiết kiệm. Tới đây hệ thống hoàn toàn có thể thương mại hóa ra bên ngoài", anh Phương cho hay.
Từ hiệu quả của hệ thống NETD đối với công tác vận hành, NOC tiếp tục triển khai hệ thống OTSD phục vụ mảng truyền dẫn quang. Với cơ chế tự động hoá tương tự NETD, OTSD giúp tối ưu vận hành hàng ngày.
Không chỉ chuyển đổi số vận hành hệ thống mạng, NOC còn đầu tư cho công tác giám sát tài sản và đảm bảo nguồn điện tự động.
Trước đây, nhân sự liên đơn vị nhà “Cáo” phải giám sát thủ công hàng loạt tài sản là các thiết bị mạng như module, card, server… Theo đó, các bên liên quan cần lên lịch để lập danh sách và bên sử dụng tài sản phải mở từng tool của hãng cung cấp để kiểm tra (mỗi hãng một tool) rồi ký kết và nghiệm thu. Mỗi lần nghiệm thu mất 3-7 ngày, gây tốn kém về thời gian, nhân lực.
Nhận thấy bài toán “thú vị”, Ban kế toán (FAF), Trung tâm Hệ thống thông tin (ISC) và Ban Chất lượng (FTQ)… cùng tham gia “giải toán”. NOC triển khai Hệ thống giám sát tài sản online tự động (NTOL) do kỹ sư Lương Đức Nam sáng tạo. Anh cùng nhóm đồng nghiệp đã dành 6 - 8 tháng xây dựng và phát triển hệ thống này với mục tiêu tự động hóa, tối ưu quy trình giám sát tài sản của đơn vị.
Khi đưa vào sử dụng, việc báo cáo tình trạng vật tư sử dụng được tự động hóa. Thời gian nghiệm thu trước đây từ 3-7 ngày nay giảm xuống còn 1-2 giờ, 100% thiết bị được giám sát bởi hệ thống.
“Hệ thống NTOL giúp đơn vị sử dụng tài sản cũng như kế toán giảm thiểu thời gian nghiệm thu, giảm nhân lực, tránh tình trạng tồn kho, giảm thất thoát tài chính vì giá thành các tài sản đều rất lớn. Hơn thế, nhân sự liên quan có thể dành nhiều thời gian hơn cho công việc chính”, kỹ sư Lương Đức Nam hào hứng.
Theo anh Nguyễn Ngọc Sỹ Quỳnh (Trưởng phòng Truyền dẫn quang, Trung tâm Điều hành mạng FPT Telecom), hệ thống NTOL đã giải phóng đến hơn 80% thời gian xử lý vật tư, tài sản. Nhờ có hệ thống mới, các kỹ sư sẽ được chuyên môn hóa. Đây là những công việc trước đây không thể thực hiện được.
FPT Telecom hiện có hơn 10 Data Center lớn được đặt tại 4 vị trí trọng điểm ở Hà Nội và TP HCM với tổng diện tích lên tới hàng chục nghìn mét vuông. Với Data Center, khả năng cung cấp điện tức thời và nguồn dự phòng là yếu tố sống còn.
Nhận thấy những khó khăn trong công tác vận hành, đảm bảo duy trì hệ thống ổn định và an toàn 24/7, NOC đã xây hệ thống điều khiển và giám sát trung tâm dữ liệu với tên gọi Data Center Monitoring & Control System (DCMS). Hệ thống này quản lý vận hành, giám sát, cảnh báo và xử lý sự cố liên quan hệ thống điện như trạm biến áp, máy phát điện, UPS, điều hòa chính xác, cảm biến môi trường…
Dự án được chia thành 5 module nhỏ (Giám sát, Cảnh báo & điều khiển, Hệ thống kiểm tra vận hành, Thu thập đánh giá, Báo cáo) dựa trên các nền tảng web và app.
DMCS đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, giúp cảnh báo, ngăn ngừa, giảm thiểu các sự cố. Từ đó tiết kiệm chi phí đầu tư, tiết kiệm chi phí nhân lực. Với khách hàng, DMCS mang đến trải nghiệm tốt nhất, để khách hàng yên tâm đầu tư, sử dụng dịch vụ.
Giám đốc Lương Duy Phương cho hay, NOC có nhiều hệ thống chuyển đổi số nhưng NETD, OTSD và DMCS đóng vai trò như những bộ “xương sống”. Tuy nhiên, Giám đốc NOC khẳng định, các hệ thống này mới chỉ là bước đầu trong hành trình ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất để Trung tâm điều hành mạng trở nên thông minh hơn. Bước kế tiếp, đơn vị sẽ tiến hành chuyển đổi dần các KPI theo hướng Service Metric (chỉ số dịch vụ).
“Trước mắt chúng tôi cần liên kết 2 hệ thống OTSD và NETD để tạo dịch vụ như internet, kênh thuê riêng, mạng cho FPT Play, hay mạng cho Truyền hình FPT…”, anh Phương chia sẻ, “và kế tiếp là ứng dụng tự động hoá, dữ liệu lớn trong vận hành hệ thống mạng”.